Nghịch lý thị trường căn hộ giá rẻ

Nhu cầu cao, nguồn cung ít, thế nhưng có một thực tế là không phải cứ nhà giá rẻ là thu hút được sự chú ý của khách hàng. Sự “thất thế”của nhà giá rẻ thể hiện qua việc nhiều khách hàng đã không còn hào hứng căn hộ kiểu này.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, năm 2017, phân khúc căn hộ bình dân sẽ là chủ đạo và dẫn dắt thị trường bởi nó phù hợp với khả năng tài chính của những người có nhu cầu ở thực. Nhưng thực tế vẫn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Theo báo cáo mới nhất vừa được đơn vị tư vấn CBRE công bố thì trong năm 2016, số lượng căn hộ bình dân tại Hà Nội chào bán ra thị trường chỉ chiếm 11% trong tổng số hơn 30 nghìn căn hộ, tương đương với khoảng 3.000 căn.

Theo báo cáo của công ty tư vấn này thì đây là con số “giật mình” bởi nhu cầu trong phân khúc này vẫn là chủ yếu trên thị trường hiện nay. Theo đánh giá, nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân trong năm 2016 giảm 71% so với năm 2015, dù nhu cầu trong phân khúc này chiếm tỷ trọng khoảng 80%.

Phân khúc nhà giá rẻ đang tồn tại nhiều nghịch lý

Đây chính là lý do khiến những dự án nhà giá rẻ ra đời luôn tạo ra những cơn sốt trên thị trường. Điển hình nhất có thể kể đến dự án chung cư Thanh Hà Cienco5, có thời gian thu hút sự chú ý của rất nhiều khách hàng có nhu cầu thực.

Nằm cách khá xa trung tâm Hà Nội, các căn hộ nhà giá rẻ ở khu đô thị Thanh Hà Cienco5 do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư có giá bán chỉ 9,5 triệu đồng/m2. Mỗi căn hộ có giá chỉ từ 500-600 triệu đồng thuộc các tòa nằm trong khu đô thị Thanh Hà B thuộc địa bàn các xã Phú Lương, Kiến Hưng (quận Hà Đông) và xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Mới đây Tập đoàn Vingroup tuyên bố phát triển nhà thương mại giá chỉ 700 triệu đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, tại các đô thị lớn như Hà Nội thì 10 đến 15 năm nữa vẫn khát nhà giá rẻ. Nguyên nhân được chỉ ra rằng, ở các đô thị lớn có đông dân nhập cư, trong đó đa số có nhu cầu dịch chuyển hẳn về đô thị để sinh sống theo mối quan hệ vợ – chồng, cha – con, mẹ – con, tức mỗi hộ trung bình có từ 2 nhân khẩu trở lên. Thế nhưng thực tế, các doanh nghiệp phát triển nhà bình dân của Nhà nước chỉ đáp ứng được 15% nguồn cung nhà ở cho dân nhập cư. Số còn lại người dân phải tự lo và những đối tượng này rất cần nhà ở thương mại giá rẻ, loại từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn.

Nghịch lý là đã xuất hiện những khách hàng đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng cũng không mặn mà nhà giá rẻ. Trao đổi với PV, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Maxland cho rằng, có nguyên nhân đến từ chất lượng đáng báo động của nhiều dự án nhà ở giá rẻ. Nhiều dự án nhà ở giá rẻ từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường cách đây vài năm đã nhanh chóng xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng, gây thất vọng cho người mua.

Một nguyên nhân nữa theo ông Trần Đức Diễn là do sự tác động của một số chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng. Trong đó, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hết thời gian giải ngân và dừng ký vay mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà…

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, năm 2016 chứng kiến nghịch lý của thị trường bất động sản. Đó là phân khúc cao cấp chỉ có lượng cầu 20% nhưng cung trên thị trường lại chiếm đến 80%. Ngược lại, phân khúc nhà giá rẻ có nhu cầu chiếm tới 80% thì nguồn cung vẫn chỉ ở mức 20%.

Năm 2016, các giao dịch trên thị trường vẫn ghi nhận sự ổn định với nghịch lý đó, thế nhưng điều này không có nghĩa năm 2017 sẽ tiếp diễn trong bối cảnh có nghịch lý như vậy. Vingroup đã tuyên bố phát triển nhà ở thương mại giá 700 triệu đồng, Tập đoàn Mường Thanh tiếp tục phát triển nhà giá rẻ… là những tín hiệu tốt để giải quyết sự chênh lệch hiện nay trên thị trường”, TS Phạm Sĩ Liêm đánh giá.

Tuy nhiên, TS Phạm Sĩ Liêm cũng cho rằng, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng. Theo dự đoán của ông Liêm, tuy có sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm, nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn khó có thể vượt mức tỷ trọng 20% để đáp ứng được 80% nhu cầu hiện tại.

Nguồn: Theo CAND