Chưa lên quận, đất huyện đã “nóng”

Tâm điểm của bất động sản 2017 tại TP HCM sẽ là 3 huyện vùng ven: Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè bởi thông tin các huyện này có thể sẽ lên quận

Bưu điện trung tâm Hóc Môn

Huyện Hóc Môn nằm ở hướng Tây Bắc của thành phố, giáp ranh với Tây Ninh, Long An và Bình Dương. Hóc Môn đang được quy hoạch khá bài bản về giao thông, hạ tầng cũng như sắp có tuyến metro số 2 nối Bến Thành – Tham Lương… tạo nên những làn sóng bất động sản (BĐS) nơi đây.

Tăng chóng mặt

Theo ghi nhận, giá nhiều khu đất nằm dọc các tuyến đường Nguyễn Văn Bứa, Đặng Thúc Vĩnh, Đỗ Văn Dậy… đã tăng khoảng 12%-17% so với trước thời điểm có tin lên quận. Anh Hoàn Tín, một người môi giới BĐS có tiếng ở khu vực, cho biết nếu như thời điểm này năm ngoái, giá đất ở đây chỉ khoảng từ 18-25 triệu đồng/m2 thì nay đã là 28-33 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Người mua chủ yếu mua đất đám lớn, phân lô xây nhà rồi bán lại.

Huyện Bình Chánh đang được đánh giá là khu vực rất tiềm năng vì nằm ngay cửa ngõ phía Tây của thành phố, có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quan trọng như: Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50… Với những thuận lợi đó, BĐS tại huyện Bình Chánh trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo khảo sát của phóng viên, giá nhà đất lân cận các tuyến đường Võ Văn Vân, Lại Hùng Cường, Tỉnh lộ 10, Nguyễn Thị Tú… thuộc các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có giá bán giao động từ 19-25 triệu đồng/m2, mức tăng từ 18%-22%.

UBND Huyện Nhà Bè

Nhà Bè là huyện nằm ở cửa ngõ của Nam Sài Gòn, giáp ranh với các tỉnh Long An, Đồng Nai và thừa hưởng những tiện ích cơ sở hạ tầng cao cấp của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Trong 3 huyện, Nhà Bè được đánh giá có sức tăng “nóng” nhất. Biên độ tăng giá đất tại đây cao nhất đạt đến 30%. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi và các nhà đầu tư cá nhân đã đi tắt đón đầu, nắm giữ đất tại địa bàn này từ rất sớm. Hơn nữa Nhà Bè có siêu dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước, kèm cùng hạ tầng kết nối đồng bộ đi liên tỉnh, liên vùng, đặc biệt là dự án cầu đi Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh và dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua các xã Nhơn Đức, Long Thới…

Lý giải cơn sốt đất tại các huyện trong những ngày đầu năm, ông Nguyễn Tấn Phát (Công ty Gạch Vàng) cho biết ngoài tác động mạnh từ thông tin các huyện có khả năng sớm lên quận thì còn vài yếu tố khác. Vùng trung tâm của thành phố đã phủ kín không còn quỹ đất cho các dự án phát triển nên doanh nghiệp BĐS tìm đến ngoại thành để lập dự án mới. Áp lực dân số cơ học tăng nhanh cũng là tác nhân gây sốt đất vùng ven bởi giá bán còn rẻ, người dân cần có nơi sống thoải mái hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của gia đình. Nhưng ông Phát cũng cho biết đất ở các huyện ngoại thành này bùng nổ không đến từ các doanh nghiệp BĐS lớn mà là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ chủ yếu mua đất cất nhà nhỏ để bán với mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng bởi thanh khoản nhanh, xoay vòng vốn ngắn. Cũng có nhiều nhà đầu tư thứ cấp đổ tiền mua đất “găm hàng” chờ đến lúc lên quận rồi bán lại.

Cẩn thận với sốt ảo

Thông tin 3 huyện ngoại thành lên quận mới chỉ là kiến nghị của lãnh đạo 3 huyện này nêu lên trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo thành phố chứ chưa có văn bản chính thức nào được công bố. Việc thị trường tăng theo tin đồn luôn diễn ra với BĐS. Nhìn lại thị trường thời gian qua có thể thấy nhiều khu vực BĐS tăng trưởng nóng nhờ tin ban đầu như tại khu Đông TP HCM khi thông tin dự án tuyến đường sắt metro số 1 được công bố và khởi công xây dựng thì giá đất từ 10 triệu đồng/m2 (năm 2012) đã tăng lên gấp nhiều lần, có chỗ tăng lên cả 100 triệu/m2 (năm 2015). Hay như cơn sốt đất Nhơn Trạch vừa qua sau thông tin xây cầu Cát Lái. Những thông tin ban đầu luôn mang lại mặt trái của nó cho thị trường đó là việc nhà đầu cơ thứ cấp đổ bộ về đầu cơ và thổi giá đất lên rất nhanh, trong khi người có nhu cầu mua ở thực chịu thiệt rất lớn.

Đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng việc lên quận của 3 huyện là điều đương nhiên, phù hợp với tiến trình phát triển của TP nhưng tùy thuộc vào thời điểm và nhiều yếu tố khác nhau để lãnh đạo thành phố chấp thuận cho lên quận chứ không phải xin lên quận là lên được liền.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng người mua BĐS hiện nay cần xem xét kỹ trước khi bỏ tiền mua đất để ở tại các huyện này. “Việc người dân có nhu cần ở thực lại phải mất tiền cho nhà đầu cơ thứ cấp là hết sức vô lý… Chính vì vậy chính quyền thành phố cần có biện pháp cụ thể trước những diễn biến này” – ông Châu cảnh báo.

Theo NLĐ