Điều gì đang diễn ra với tỷ giá?

Tỷ giá liên tục tăng mạnh trong tuần qua và đạt đỉnh tại 22.840 đồng/USD Tỷ giá liên tục tăng mạnh trong tuần qua và đạt đỉnh tại 22.840 đồng/USD. Với cách điều hành qua tỷ giá trung tâm, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ khó nhìn ra mức độ điều chỉnh so với khi “điều chỉnh một cục”.

 

Hình thành mặt bằng giá mới

 

Sáng cuối tuần, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, một số ngân hàng tiếp tục tăng giá bán USD lên mức phổ biến 22.820-22.830 đồng/USD; Giá mua vào cũng tăng phổ biến lên 22.720-22.753 đồng/USD. Cụ thể, tại 3 ngân hàng thương mại lớn, Vietcombank và BIDV niêm yết giá 22.750-22.820 đồng/USD, Agribank là 22.720-22.800 đồng/USD. Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, giá bán ra tái lập mức cao nhất trong tuần là 22.840 đồng/USD tại Eximbank và Techcombank. Trước đó, mức giá này đã được DongA Bank đã đẩy lên trong ngày 15/2. Sau khi giảm nhẹ, trong ngày giao dịch cuối tuần, DongA Bank tiếp tục tăng giá niêm yết lên 22.830 đồng/USD. Cùng ngày, ACB cũng bán ra USD ở mức giá này. Trong khi đó, một số ngân hàng khác niêm yết giá USD thấp hơn như Sacombank và LienVietPostBank tương ứng là 22.820 đồng/USD và 22.810 đồng/USD.

 

Bùi Quang Tín (trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng, tỷ giá tại các ngân hàng những ngày vừa qua có biến động nhưng tỷ giá trung tâm tăng không đáng kể, USD tự do lại giảm dần chứng tỏ thanh khoản USD trên hệ thống ngân hàng vẫn bình thường. Do đó, TS. Tín cho rằng, biến động tỷ giá trong vài ngày qua chủ yếu xuất phát từ nhu cầu đột biến của một số doanh nghiệp nhập khẩu. Chuyên gia này cũng đề xuất nâng lãi suất tiền gửi USD lên bằng một số nước là khoảng 1% hoặc thấp hơn để đảm bảo thu hút nguồn ngoại tệ và ổn định thanh khoản.

 

Như vậy, đến cuối tuần qua, giá mua vào USD thấp nhất trên thị trường xoay quanh 22.720-22.753 đồng/USD và giá bán ra dao động trong khoảng 22.810- 22.840 đồng/USD. Chuyên viên phân tích Trần Đức Anh của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, tỷ giá tăng mạnh do 2 nguyên nhân chính. Đó là xuất phát từ diễn biến mạnh lên của USD trên thị trường tiền tệ thế giới khi chỉ số USD (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác) đã tăng mạnh từ 99,5 điểm lên 101,2 điểm trong nửa đầu tháng 2. Thị trường kỳ vọng vào các chính sách kích thích kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cùng với việc đẩy mạnh các hợp đồng tương lai hàng hóa khiến nhu cầu USD càng tăng cao. Theo dự đoán của giới phân tích, FED có khả năng nâng lãi suất 2 lần trong năm nay. Còn trong nước, theo chuyên viên phân tích Trần Đức Anh, xuất phát từ nhu cầu của một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa với số lượng hàng triệu USD. Điều này đã đẩy tỷ giá ở một vài ngân hàng lớn lên cao kéo theo sự tăng giá USD ở một loạt các ngân hàng khác. Cuối tuần qua, chỉ số USD trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt, còn trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm tỷ giá trung tâm (kiểm soát giá sàn và trần USD tại các ngân hàng thương mại). Chính vì thế, ông Đức Anh cho rằng, nhiều khả năng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sẽ sớm giảm nhẹ trong các phiên sắp tới.

 

Tỷ giá tăng khoảng 1,5-2% năm nay

 

Đây là nhận định của ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello. Ông Đinh Tuấn Minh cho hay, triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân Tổng thống Trump cùng việc FED nâng lãi suất nhiều lần trong năm nay sẽ khiến USD tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới, gồm cả VND. “Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào”, ông Đinh Tuấn Minh nhận định. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, với tình hình đăng ký và giải ngân vốn FDI chậm lại sẽ tạo sức ép lên tỷ giá. “VND mất giá bao nhiêu không thể đưa ra con số cụ thể vì còn phụ thuộc vào sự điều hành chủ quan của NHNN”, chuyên gia này nói. Theo đó, cách tính tỷ giá trung tâm như thế nào hiện không được công bố.

 

Bên cạnh đó, “trước đây, khi NHNN phá giá VND thì tuyên bố mức phá giá 2% một năm chẳng hạn, tức là thị trường có thể hình dung tổng thể diễn biến của thị trường trong vòng một năm. Nhưng nay, NHNN điều hành qua tỷ giá trung tâm hàng ngày sẽ khó hình dung hơn”, ông Đinh Tuấn Minh nói. Theo đánh giá của chuyên gia này, NHNN cũng có đủ khả năng điều chỉnh tỷ giá theo mục tiêu chính sách vì tỷ giá không hoàn toàn thả nổi theo thị trường tự do và dự trữ ngoại hối hiện đang khá dồi dào. Theo dự đoán của chuyên gia này, mức độ điều chỉnh tỷ giá năm cũng sẽ không quá 2%.