Những rủi ro khi mua căn hộ chung cư bạn nên biết

Với chính sách hỗ trợ người mua nhà, những tiện ích thú vị và hình thức thanh toán tương đối dễ dàng, nhanh chóng, căn hộ chung cư đang thu hút khách hàng có nhu cầu mua nhà hiện nay hơn bao giờ hết. Tuy vậy, những rủi ro trong quá trình mua bán căn hộ chung cư luôn luôn tồn tại bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư, những quy định hiện hành và rất nhiều vấn đề khác.

Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin để bạn lường trước những rủi ro và biết cách bảo vệ mình khi quyết định mua căn hộ chung cư.

Rủi ro uy tín, năng lực chủ đầu tư

Tính an toàn của một giao dịch mua bán căn hộ chung cư phụ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư. Nếu bạn không cẩn trọng trong việc tìm hiểu thông tin và lựa chọn chủ đầu tư thì bạn đã vô tình đẩy mình vào một cuộc chơi may rủi. Hiện nay, có rất nhiều chủ đầu tư không uy tín đang hoạt động trên thị trường bất động sản. Hãy cẩn thận nếu không bạn sẽ thiệt hại cả số tiền tích lũy được trong bao nhiêu năm làm việc chăm chỉ.

Những chiêu thức mà các chủ đầu tư không uy tín sử dụng rất đa dạng: Đưa thông tin không xác thực về hình ảnh, quy mô, diện tích, những tiện nghi, tiện ích của căn hộ; thổi phồng dự án, tung thông tin sốt ảo về độ “hot” của dự án; mượn tay công ty ngoại để đánh bóng tên tuổi; giả danh hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng thực chất là không đủ năng lực để gánh dự án nên đã bán sỉ cho các chủ đầu tư khác, chung cư hoạt động chui khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn,… Tất cả những chiêu thức này đều dẫn đến rủi ro và thiệt hại lớn cho khách hàng.

Rủi ro pháp lý

Cũng như các loại hình mua bán bất động sản khác, việc mua bán căn hộ chung cư cũng tồn tại những rủi ro về mặt pháp lý liên quan đến hợp đồng kí kết giữa khách hàng và chủ đầu tư. Trong những điều khoản quan trọng nhất có thời gian giao nhận nhà, điều khoản về thanh toán, phí phạt, giá trị hợp đồng, thuế GTGT, cách tính diện tích căn hộ; quy định hình phạt nếu chủ đầu tư không giao nhà đúng hạn, điều kiện bất khả kháng; thời gian giao sổ hồng; diện tích sở hữu chung; những trang thiết bị sử dụng chung, riêng,…

Một số vấn đề mà chủ đầu tư thường vi phạm trong hợp đồng pháp lý, bao gồm: Tự ý chẻ nhỏ căn hộ, ăn gian diện tích căn hộ, ủy quyền kí hợp đồng không hợp pháp, kinh doanh dự án chưa đủ điều kiện, đưa tình huống dự án không thi công đúng tiến độ bị nhà nước thu hồi vào trường hợp bất khả kháng, ăn gian thuế giá trị gia tăng,… Nếu không cẩn thận trong quá trình tìm hiểu và kí kết hợp đồng, bạn sẽ khó tránh khỏi những rắc rối pháp lý mà không thể kêu ai.

Ưu đãi, khuyến mãi và chiết khấu

Thông thường, các dự án đầu tư bao giờ cũng đưa ra những chương trình khuyến mãi và ưu đãi để tăng độ “hot” của dự án và kích thích người mua nhà đến với họ. Có những chương trình ưu đãi thực sự đến từ chính sách hỗ trợ của nhà đầu tư uy tín nhưng mặt khác, đây cũng là cách để các chủ đầu tư không uy tín lợi dụng để chiêu dụ khách hàng. Bạn có thể nghe được những thông tin như: chiết khấu 6 – 7%/tổng giá bán căn hộ nếu thanh toán ngay 100%, hoặc chỉ thanh toán 30 – 40% nhận nhà ngay, phần còn lại miễn lãi suất trong 1 – 2 năm; mức giá bán thấp so với mặt bằng các dự án xung quanh, nhưng đấy là giá ban đầu (có thể là chưa VAT, 2% phí bảo trì…), hoặc căn hộ được đánh giá là “xấu”,… Thực tế là những chủ đầu tư uy tín dù không có nhiều chương trình ưu đãi vẫn thu hút được rất nhiều khách hàng còn những người khác dù có chiêu trò cỡ nào khách hàng cũng vắng bóng. Nếu bạn là người mua nhà lần đầu, hãy cẩn trọng với ưu đãi và khuyến mãi. Quan trọng nhất là tìm được chủ đầu tư uy tín và thực sự quan tâm đến khách hàng.

Rủi ro khi bàn giao nhà

Vào thời điểm bạn chuẩn bị được sở hữu ngôi nhà của mình thì rủi ro vẫn chưa hết. Nhiều người vì quá phấn khởi khi nhận nhà nên đã thiếu tỉnh táo, để chủ đầu tư lợi dụng. Bạn có thể gặp phải một số rủi ro như: chủ đầu tư không đo đạc lại căn hộ mà sử dụng biên bản đo đạc của đơn vị khác được thuê; thiếu đồ đạc khi bàn giao chờ bổ sung nhưng thực chất là không có; chất lượng hoàn thiện kém, phải đặt cọc tiền hoàn thiện; phải nộp thêm các khoản phí khác để được cấp sổ đỏ, sổ hồng,… Đây thực chất là những chiêu trò lừa đảo, vi phạm hợp đồng mà nếu không tỉnh táo, người mua nhà rất dễ bị mắc bẫy.

Lời khuyên cho bạn

Để tránh những rủi ro khi mua căn hộ chung cư, bạn nên:

– Tìm hiểu về chủ đầu tư: giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh của chủ đầu tư, nhất là uy tín qua việc triển khai các dự án thành công; năng lực, khả năng tài chính của chủ đầu tư (với các dự án đang thi công); những tranh chấp, bất đồng của chủ đầu tư với người mua nhà/cư dân và cách xử lý/hành xử của chủ đầu tư trước các tranh chấp, bất đồng trong quá trình triển khai dự án… trước đó.

– Tìm hiểu kĩ các điều khoản trong hợp đồng mua bán, tỉnh táo đối chiếu các thông tin trên với thực tế khi nhận bàn giao nhà, không để phát sinh thêm hợp đồng phụ.

– Liên kết chặt chẽ và tận dụng sức mạnh truyền thông khi gặp vấn đề rắc rối để bảo vệ chính bạn và những người khác.

Bạn đừng quên những lưu ý trên trước khi quyết định mua căn hộ chung cư nhé! Và điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được đúng chủ đầu tư uy tín, có đủ năng lực tài chính, khả năng thực hiện cam kết, quan tâm đến quyền lợi của khách hàng. Chúc bạn có những lựa chọn thông minh và sáng suốt ngay từ bước đầu tiên để quá trình giao dịch và sở hữu căn hộ diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Theo nguyensonreal.com